Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng rau sạch, rau an toàn, chất lượng cao ngày càng được người dân quan tâm. Nhiều hộ nông dân trên địa bàn TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) lựa chọn trồng rau màu theo hướng này.
Hiệu quả kinh tế tăng lên nhiều so với cách làm truyền thống
Chỉ có 1,5 công đất rẫy, trồng các loại rau ăn lá ngắn ngày (rau dền, cải ngọt, mồng tơi…), gia đình ông Nguyễn Văn Mướt (ngụ ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng) quyết định chuyển đổi phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học – kỹ thuật. Qua nhiều năm canh tác, kinh nghiệm tích lũy khá nhiều, ông Mướt chú trọng làm ra nông sản bảo đảm chất lượng, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, hiệu quả kinh tế tăng lên nhiều so với cách làm truyền thống trước đây.
Ước tính mỗi công rau cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Trừ các khoản chi phí, nông dân lãi 20 triệu đồng. Chia sẻ thành quả có được, ông Mướt cho biết: “Nghe nhiều thông tin về vụ ngộ độc, người dân ăn phải rau củ bị dư hóa chất, nên tôi quyết định thay đổi cách sản xuất sang hướng hữu cơ. Nhờ vậy, không chỉ an toàn cho sức khỏe mọi người, mà giá cả đầu ra cũng cao hơn, vì chi phí sử dụng phân hữu cơ thấp hơn, từ đó nông dân có cuộc sống ổn định”.
Theo thống kê, hiện toàn xã Mỹ Hòa Hưng có gần 40 hộ sản xuất rau an toàn, tổng diện tích hơn 22ha. Mỗi năm, cung ứng ra thị trường gần 200 tấn rau các loại. Trung bình mỗi hộ gia đình trồng từ 2- 5 công rau. Mùa nào loại ấy, chủ yếu là mồng tơi, bắp cải, hành lá, cải xanh, cải ngọt…
Để phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng tới phát triển nền nông nghiệp xanh – sạch – bền vững, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng Võ Văn Tứ thông tin: “Địa bàn xã hiện nay có vùng rau an toàn tại khu vực ấp Mỹ An. Từ năm 2017, bà con nông dân tập trung chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu. Hội Nông dân xã tiếp tục vận động bà con trên diện tích lúa còn lại chuyển sang trồng rau màu. Hướng tới, địa phương định hướng phát triển vùng rau an toàn nhiều hơn nữa, xem đây là mô hình sản xuất ổn định và bền vững trong tương lai”.
Nhanh chóng được hưởng ứng và lan rộng khắp nhiều khu vực
Xuất phát từ nhu cầu của thị trường tiêu thụ, nhiều nông dân xã Mỹ Khánh cũng mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, trồng rau ăn lá hoàn toàn không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Nông dân áp dụng kiến thức được tiếp thu qua các lớp tập huấn trồng rau an toàn, từ khâu làm đất, chọn giống, đến chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Toàn xã Mỹ Khánh có khoảng 14 hộ dân duy trì trồng rau hữu cơ, rau an toàn, tổng diện tích 3,5ha. Thu nhập cao gấp 4 – 5 lần so trồng màu truyền thống, tăng hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Ông Đào Văn Hảo (ngụ ấp Bình Khánh) chia sẻ: “Khi thu hoạch, chúng tôi đem ra thị trường bán với hình thức bỏ sỉ, không đủ cung ứng cho người buôn bán nhỏ lẻ. Rau sạch có hương vị rất ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Để tránh sâu bọ, côn trùng, tôi phải sử dụng hệ thống lưới cước bao trùm, đến lúc thu hoạch mới mở ra, chứ không dùng thuốc hóa chất đuổi, diệt côn trùng. Mặc dù hơi cực, nhưng hiệu quả kinh tế cao, ổn định”.
Tương tự, ông Đào Quang Trí (ngụ ấp Bình Khánh) mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất đối với ruộng rẫy của mình: “Trước đây, tôi trồng rau theo cách truyền thống, phải sử dụng nhiều phân thuốc hóa học. Nhưng ngày càng tốn kém, dẫn đến không đủ chi phí khi thu hoạch. Thấy vậy, tôi học trồng rau hữu cơ. Qua thời gian làm thử, tôi thấy rất hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt hơn, các loại sản phẩm trồng theo hướng hữu cơ đều ngon và chất lượng”.
Rau an toàn đẹp về mẫu mã, đảm bảo chất lượng, đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã và đang là xu hướng tiêu dùng phổ biến hiện nay. Đây là một trong những chỉ tiêu, tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Long Xuyên. Điểm nhấn nằm ở phát huy nội lực của người dân là chính, đưa nông dân từ sản xuất theo truyền thống, thu nhập bấp bênh sang chuyên nghiệp hơn, giúp họ làm giàu một cách bền vững.
Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, TP. Long Xuyên sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất rau truyền thống có cơ hội tiếp cận chính sách phát triển nông nghiệp của Trung ương và địa phương; nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất rau an toàn, bền vững và phát triển kinh tế hiệu quả.
(Nguồn: Báo An Giang Online)