Đối phó xâm nhập mặn ĐBSCL: Nông dân là một phần giải pháp

Chuyên gia cho rằng các giải pháp tập trung vào con người, chẳng hạn giáo dục – đào tạo và khai thác kinh nghiệm nông dân cũng sẽ giúp đối phó hiệu quả tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Vấn đề xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gây đau đầu cho nông dân khu vực nhiều tháng qua, tuy hiện có giảm bớt song vẫn cần những giải pháp giải quyết vấn đề trong dài hạn.

Đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt hạn mặn năm nay phải kể đến bà con nông dân, do đó các yếu tố về con người gần đây được giới chuyên gia đặc biệt quan tâm.

Trước tình hình trên, báo Pháp Luật TP. HCM đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Thị Ngọc Bích – Phó Viện Trưởng Viện Khoa Học Công Nghệ Môi Trường thuộc ĐH Trà Vinh và chị Nguyễn Kim Thanh – Phó Giám đốc phụ trách Kỹ thuật Công ty TNHH Kim Delta Việt Nam (công ty về nông nghiệp tại ĐBSCL) về các giải pháp đặt trọng tâm là con người.

Xâm nhập mặn ngày càng khắc nghiệt và khó đoán

TS. Bích – Phó Viện Trưởng Viện Khoa Học Công Nghệ Môi Trường thuộc ĐH Trà Vinh – nhận định tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng khắc nghiệt và khó dự đoán, đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân vùng ĐBSCL.

Vì hạn mặn, người dân xã Long Đại, huyện Bình Đại, Bến Tre phải đi lấy từng can nước sạch về sinh hoạt.
Vì hạn mặn, người dân xã Long Đại, huyện Bình Đại, Bến Tre phải đi lấy từng can nước sạch về sinh hoạt.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 – 2024 đến sớm và sâu hơn trung bình những năm trước, với nhiều đợt xâm nhập mặn liên tiếp. Hiện tượng này kết hợp thời tiết nắng nóng và ít mưa đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng ngàn hecta cây trồng các loại, và gần 74 ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở các tỉnh ĐBSCL.

Các điều kiện bất thường do biến đổi khí hậu gây ra như giảm lượng mưa, nắng nóng kỷ lục và kéo dài làm gia tăng sự bốc hơi nước cùng các tác nhân do con người gây ra như khai thác nước ngầm quá mức, khai thác cát ở lòng sông là những nguyên nhân cộng hưởng làm cho hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn vào sâu trong nội đồng.

Đồng quan điểm, chị Thanh – Phó Giám đốc phụ trách Kỹ thuật Công ty TNHH Kim Delta Việt Nam – cũng cho rằng nguyên nhân chính khiến tình trạng xâm nhập mặn diễn ra nhanh chóng và trầm trọng không chỉ riêng do biến đổi khí hậu mà còn do các hoạt động trực tiếp của con người như khai thác nước ngầm, xây dựng, khai thác cát và xây đập ở thượng nguồn. Các hoạt động này đều liên quan đến lợi ích kinh tế và rất có thể sẽ không dừng lại hoặc giảm bớt đáng kể trong 10 năm tới.

Để nông dân là một phần của giải pháp

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam – Hà Lan 2024, chị Thanh nói rằng nông dân có vốn sống rất phong phú và kinh nghiệm dân gian cũng rất đa dạng. Những kinh nghiệm này cũng đã chứng minh phần nào hiệu quả trong nhiều năm qua. Theo đó, chị cho rằng giới chuyên gia cần kết hợp với người dân trong việc tìm ra giải pháp đối phó hạn mặn trong dài hạn.

Hiện chính quyền các địa phương trong tỉnh Long An đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cấp bách, giải quyết tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt cho người dân.
Hiện chính quyền các địa phương trong tỉnh Long An đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cấp bách, giải quyết tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt cho người dân.

“Tôi tin rằng nông dân có thể tích cực tham gia vào quá trình tìm ra giải pháp giúp họ chống chịu tốt hơn. Đó là nhờ phát triển các phương thức sản xuất nông nghiệp thích ứng với thực tế đất mặn, nước ngọt khan hiếm. Hai vấn đề này không mới đối với người nông dân, trước đây đã từng xảy ra, chỉ là không nhanh chóng và gay gắt như bây giờ. Tôi tin rằng có rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm đã có sẵn ở các cộng đồng nông thôn (chẳng hạn như việc tích trữ nước mưa để dùng cho mùa hạn,…), nhưng có vẻ như những kiến thức này chưa được quan tâm và sử dụng một cách hợp lý” – chị Thanh nói thêm.

Theo chị Thanh, các dự án của giới học thuật thường ít có tác động đến hộ nông dân sản xuất nhỏ. Nguyên nhân là do thông thường các dự án này được tài trợ trong 1-3 năm và khi hết vốn thì các hoạt động của giới học giả và các thành viên khác trong nhóm dự án cũng theo đó mà kết thúc. Hơn nữa, 1-3 năm là không đủ dài để thiết kế, thực hiện, giới thiệu tới người nông dân, cũng như không khả thi trong công tác giám sát, cải tiến nghiên cứu, đặc biệt là về xâm nhập mặn.

“Một cách có thể dễ dàng cải thiện hệ thống này là từ bỏ phương pháp tài trợ dự án kiểu này và thay vào đó tạo ra các chương trình theo chủ đề dài hạn với mục tiêu chung được thống nhất rõ ràng. Chủ sở hữu chương trình phải là một liên minh gồm nhà nước, tư nhân và tri thức. Nói cách khác là chính phủ, các công ty (bao gồm cả nông dân) và các trường đại học. Mỗi bên có vai trò riêng sẽ được giám sát và đánh giá về tính hiệu quả. Bằng cách này, tất cả các đối tác đang hoạt động đều có thể hưởng lợi từ sự hợp tác lâu dài” – chị Thanh nhận định.

(Nguồn: Báo Pháp Luật Online)

Bài viết mới cập nhật:

Hotline Facebook Zalo